"sống lại" khu đô thị lấn biển Cần Giờ
Ngày: 01/12/2015
23/10/2015
23:05
Sau thời gian dài “im
hơi lặng tiếng”, hiện Công ty CP Đô thị du lịch Cần Giờ đang ra sức đẩy nhanh
tiến độ dự án khu đô thị du lịch biển Cần Giờ (còn gọi là Saigon Sunbay) với
nhiều động thái tích cực
Sở dĩ dự án này “sống lại” là nhờ vào quyết định tham gia của
một nhà đầu tư chiến lược, chứ dựa vào tiềm lực của Công ty CP Đô thị du lịch
Cần Giờ là không thể.
Bất động nhiều năm
Chiều 22-10, tại một công trường được rào chắn để phục vụ thi
công dự án Saigon Sunbay (nằm trên bãi biển 30-4), nhìn vào bên trong, chúng
tôi chỉ thấy một bãi đá dài và hoàn toàn không có bóng người hay dụng cụ, máy
móc nào. Anh Nguyễn Quốc Tiển, bảo vệ khu vực bờ biển, cho biết dự án đã nằm im
2-3 năm nay. Người dân muốn đi ra biển chơi thì phải đi bọc qua phía bên kia vì
khu vực này đã bị rào lại.
Theo thông tin trên biển báo tại công trường, dự án do 2 đơn vị
làm nhà thầu chính là Liên danh Công ty Xây dựng Lũng Lô - Công ty TNHH Hàng
Hải Sao Mai và Công ty CP Tư vấn Xây dựng Công trình Hàng Hải (đơn vị tư vấn
thiết kế).
Gần 8 năm triển khai nhưng dự án khu đô thị du lịch biển Cần Giờ
vẫn còn ngổn ngang Ảnh: Hoàng Triều
Thực tế, theo tìm hiểu, dự án Saigon Sunbay đã có từ 15 năm
trước và thời điểm mà dư luận nhắc đến nhiều nhất là cuối năm 2007, khi Công ty
CP Đô thị du lịch Cần Giờ khởi động dự án với tổng kinh phí dự kiến ban đầu
khoảng 8.470 tỉ đồng. Giai đoạn 1 bắt đầu từ năm 2007 gồm phần san lấp biển;
giai đoạn 2 là sẽ tiếp tục hoàn thành phần cơ sở kỹ thuật hạ tầng và sẽ hoàn
tất các công trình vào giữa năm 2016. Tuy nhiên, đến nay dự án không tiến
triển.
Lý giải về nguyên nhân dự án bất động sau khi khởi công, ngoài
việc chủ đầu tư - tức Công ty CP Đô thị du lịch Cần Giờ - không đủ năng lực
triển khai, giới chuyên môn còn đưa ra những nhận định e ngại về tính hiệu quả
của dự án; bởi theo quy hoạch cũ là xây dựng 4 khu HeartBay, LifeBay, Ecobay và
BlueBay, là những khu nghỉ dưỡng, khu dân cư cao cấp, khu nhà vườn; các hạng
mục biển nội bộ và bãi tắm nhân tạo với sức chứa hàng ngàn du khách. “Tất cả
đều “hoành tráng” nhưng hạ tầng giao thông không “hoành tráng” thì khó thành
công” - một cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM nhận định.
Thay đổi để “sống
lại”!
Trước sự trì trệ trên, UBND TP HCM đã liên tục hối thúc chủ đầu
tư thực hiện dự án nhưng vẫn không có tín hiệu tích cực. Sau khi Công ty CP Tập
đoàn Vingroup (Tập đoàn Vingroup) quyết định tham gia với vai trò cổ đông chiến
lược, dự án khu đô thị du lịch Cần Giờ đã “sống lại” với nhiều thay đổi so với
trước.
Cụ thể, UBND TP HCM đã chấp thuận cho chủ đầu tư nghiên cứu lập
phương án mở rộng thêm 480 ha dự án khu đô thị lấn biển. UBND TP còn giao Sở
Quy hoạch - Kiến trúc nhanh chóng hướng dẫn lập quy hoạch 1/2.000 toàn khu, bao
gồm 600 ha ban đầu được phê duyệt và 480 ha mới để bảo đảm kết nối đồng bộ khu
vực này và trình UBND TP phê duyệt trong tháng 11 tới.
Theo tìm hiểu, sau khi được TP chấp thuận chủ trương, Tập đoàn
Vingroup đang tiến hành các bước tiếp theo để có thể trình dự án trong thời
gian sớm nhất. Theo đó, nếu thực hiện dự án chắc chắn sẽ phải tốn nhiều kinh phí
cho việc cải tạo, làm lại các công đoạn về môi trường, cảnh quan, nhất là việc
đưa cát trắng từ khu vực miền Trung về đây.
Ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết nếu được
Tập đoàn Vingroup thực hiện đúng với tinh thần, chủ trương của TP để phát triển
kinh tế - xã hội của TP cũng như Cần Giờ thì ông tin rằng dự án sẽ sôi động trở
lại.
“Với Vingroup, một nhà đầu tư đầy đủ tiềm lực tài chính cũng như
kinh nghiệm trong ngành bất động sản nghỉ dưỡng, chúng tôi tin rằng dự án sẽ
được thực hiện bài bản và biến nơi đây thành khu du lịch phát triển bền vững” -
ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, nhận định.
Tuy nhiên ông Châu cũng lưu ý cùng với việc có bãi biển sạch, có
thể tắm được là cả quá trình làm sạch kênh rạch, xử lý dòng chảy từ các khu vực
lân cận chảy về như: Bình Dương, Đồng Nai… Đặc biệt là cần xử lý môi trường nên
phải tốn kém kinh phí lớn.
Chủ đầu tư nên làm luôn hạ tầng
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, rõ ràng đây là dự
án lớn, hạ tầng kết nối cũng như các vấn đề về giao thông phải được phát triển
đồng bộ mới phát huy hiệu quả dự án.
Theo đó, nếu nhà nước phải đầu tư hạ tầng bằng
nguồn vốn ngân sách địa phương thì sẽ không có lợi, vì còn nhiều lĩnh vực khác
như giáo dục, y tế… cần được ưu tiên kinh phí hơn. “Ở đây, chủ đầu tư làm luôn
hạ tầng rồi khấu trừ vào giá thì sẽ hợp lý hơn” - ông Sơn phân tích.
SƠN NHUNG
Nguồn : Báo Người Lao Động
Các tin khác:
3000 tỷ đồng xây cầu Bình Khánh nối Cần Giờ (25/06/2015)